Đại Đường hoàng đế Đường_Mục_Tông

Tình hình triều chính

Trong lúc Mục Tông đang có tang chưa ra triều chính, hai người thầy cũ của ông là Đoàn Văn Xương, Giá bộ ngoại lang Đinh Công Trứ và Binh bộ lang trung Tiết Phóng được tham gia bàn bạc những việc cơ mật. Mục Tông dự định phong họ làm tể tướng nhưng hai người này từ chối. Nhưng Mục Tông vẫn cho bãi chức của tể tướng Hoàng Phủ Bác[14]. Triều đình cũng quy cái chết của Hiến Tông là do ngộ độc đan dược, do đó Mục Tông cho giết chết người luyện đan là Liễu Bí.

Ngày Mậu Thân 22 tháng 2, Mục Tông ra triều thân chính. Sau đó ông phong cho hai đại thần Đoàn Văn XươngTiêu Phủ giữ chức Trung thư thị lang, Đồng bình chương sự (tể tướng). Đồng thời Mục Tông tôn mẹ là Quách quý phi làm hoàng thái hậu. Mục Tông vốn tính đã xa xỉ, đến khi lên ngôi lại dành nhiều thời gian chơi bời săn bắn và uống rượu, không quan tâm triều đình. Nhiều đại thần lên tiếng can ngăn nhưng Mục Tông không nghe. Ngoài ra ông cũng dành rất nhiều vàng bạc trong quốc khố cho việc phụng dưỡng thái hậu[10]. Cũng trong mùa xuân năm 820, tể tướng Lệnh Hồ Sở do phạm pháp nên cũng bị biếm chức, dời đến Hành châu. Thôi Thực được lên thay làm tể tướng.

Tết nguyên đán năm Tân Sửu (821), cải nguyên là Trường Khánh năm đầu[10], xá thiên hạ. Cùng lúc đó, Tiết độ sứ Tây Xuyên Vương Bá dùng vàng bạc đút lót cho hoạn quan để mong vào triều làm tể tướng. Vì thế, Mục Tông hạ chiếu cho chiếu Vương Bá vào kinh. Tể tướng Thôi Phủ thấy vậy có lời chê trách Vương Bá là kẻ tà ác tham ô không thể làm tướng nhưng Mục Tông để ngoài tai. Thôi Phủ chán nản, cũng xin từ chức. Có chiếu giáng Thôi Phủ làm Hữu bộc xạ rồi Thượng thư bộ lại. Nhưng rốt cục thì Vương Bá chỉ được phong làm Thượng thư bộ hình, chưa thể làm tể tướng. Cũng năm đó, Đoàn Văn Xương xin từ chức, Mục Tông bèn đổi Văn Xương làm Tiết độ sứ Tây châu[15] và phong Đỗ Nguyên Dĩnh lên thay làm tể tướng.

Mùa hạ năm đó, Mục Tông theo lời hẹn cũ của Hiến Tông với Hồi Hột, bèn gả em gái là Thái Hòa công chúa đến Hồi Cốt. Thổ Phiên nghe tin Khả hãn Hồi Cốt lấy công chúa nhà Đường bèn đem quân cướp phá Thanh Trại bảo. Hồi Cốt bèn đưa vạn kị đến Bắc Đình giúp nhà Đường chống cự Thổ Phiên và rước công chúa về nước.

Mùa thu năm đó, theo thỉnh cầu từ quần thần, Mục Tông xưng tôn hiệu Văn Vũ Hiếu Đức hoàng đế và lại xá thiên hạ. Sang năm 822, khi kết thúc chiến dịch ở Hà Bắc, Mục Tông bãi chức các tể tướng Thôi Thực rồi phong Nguyên Chẩn làm Đồng bình chương sự, đồng thời Bùi Độ cũng được triệu về đảm nhận lại tướng vị. Sau đó có người tố cáo Nguyên Chẩn trước kia từng có âm mưu ám sát Bùi Độ. Mục Tông cho điều tra nhưng không có kết quả, rốt cục cả hai người đều bị bãi chức tướng. Bùi Độ bị giáng làm Hữu bộc xạ, còn Nguyên Chẩn làm thứ sử Đồng châu.

Biến động ở Hà Bắc

Dưới thời Hiến Tông, nạn phiên trấn cát cứ về cơ bản được khống chế bởi các chiến dịch quân sự của nhà Đường, kết quả là sáu trấn lớn bị đánh diệt. Đến khi Mục Tông lên ngôi thì nạn này lại bùng lên, đặc biệt là ba trấn ở vùng Hà Bắc: Thành Đức, Ngụy Bác và Bình Lư, vốn có truyền thống cha truyền con nối. Vào mùa đông năm 820, Tiết độ sứ Thành Đức[16]Vương Thừa Tông qua đời, các tướng dưới quyền giấu việc không phát tang để tính việc chọn người mới lên thay, không công nhận tiết độ sứ do triều đình phái đến. Do hai con của Thừa Tông đang làm con tin trong triều nên tham mưu Thôi Toại lấy mệnh lệnh của Lương quốc phu nhân (tổ mẫu của Vương Thừa Tông), lập Vương Thừa Nguyên, năm đó 20 tuổi lên tiếp quản trấn Thành Đức[10]. Nhưng Vương Thừa Nguyên vốn không muốn nhận chức Tiết độ sứ, lại bị tướng sĩ ép buộc, đành tạm nhận lời, rồi sai sứ đến triều đình bảy tỏ lòng trung thành và xin từ chức. Đáp lại, Mục Tông quyết định phong cho Tiết độ sứ Ngụy Bác[17] Điền Hoằng Chính đến đảm nhận chức Tiết độ sứ ở Thành Đức, dời Vương Thừa Nguyên đến trấn Nghĩa Thành, trấn Ngụy Bác do Lý Tố tiếp quản. Cùng lúc đó lại dời Lưu Ngộ làm Tiết độ sứ Chiêu Nghĩa[18]Điền Bố (con Điền Hoằng Chính) là Tiết độ sứ Hà Dương[19]. Sau đó Vương Thừa Nguyên vâng mệnh rời trấn, chư tướng cố giữ lại nhưng không được đành phải chấp nhận. Điền Hoằng Chính sau đó đến tiếp quản trấn Thành Đức. Nhưng Điền lại lo sợ chư tướng ở Thành Đức vẫn hướng về họ Vương chứ không thần phục mình, bèn đem 2000 quân từ trấn Ngụy Bác đến để tự vệ nếu quân lính ở Thành Đức nổi loạn. Sau đó Điền Hoằng Chính xin triều đình cấp lương thực cho 2000 quân này, nhưng triều đình cho rằng quân sĩ Ngụy Bác tình nguyện bỏ trấn nên không có chuyện triều đình phải cấp lương cho. Cuối cùng, Điền Hoằng Chính không đủ quân lương để phân phát nên phải để 2000 quân trở về Ngụy Bác.

Năm 821, Tiết độ sứ Lư Long[20]Lưu Tổng, người đã sát hại cha và anh (Lưu Tế và Lưu Cổn) vào năm 810), tỏ ra lo sợ khi nhiều lần mộng thấy cha anh hiện về trong giấc mơ, nên muốn từ chức để trở thành nhà sư. Triều đình hạ lệnh phong Lưu Tổng làm Tiết độ sứ Thiên Bình và dời Tiết độ sứ Tuyên Vũ Trương Hoằng Tĩnh đến đảm nhiệm ở trấn Lư Long. Trước khi làm tăng, Lưu Tổng xin triều đình ban thưởng lớn cho tướng sĩ Lư Long để họ trung thành với triều đình và cũng thỉnh cầu cắt Lư Long thành ba đạo nhỏ: ba châu U, Trác, Doanh là một đạo do Trương Hoằng Tĩnh cai quản; bốn châu Bình, Kế[21], Quy[22], Đàn do Tiết độ sứ Bình Lư[23] Tiết Bình cai quản; hai châu Doanh và Mạc làm đạo thứ ba sẽ Lư Sĩ Mai làm quan sát sứ[10]; đồng thời cũng khuyên triều đình nên hạn chế quyền lực của Chu Khắc Dung, cháu nội của Chu Thao.

Không lâu sau Lưu Tổng chết đi. Lúc này Mục Tông cũng không quan tâm gì đến những thỉnh cầu của Lưu Tổng, các tể tướng Thôi Thực và Đỗ Nguyên Dĩnh không phân biệt được lợi hại, nên chỉ cắt hai châu Doanh, Mạc giao cho Lư Sĩ Mai, và hầu như toàn bộ trấn Lư Long thuộc về Trương Hoằng Tĩnh. Nhưng Trương Hoằng Tĩnh lại làm mất lòng binh sĩ Lư Long[10][24] qua một số việc làm như ăn bớt tiền thưởng triều đình gửi đến cho binh sĩ, khai quật quan tài của hai giặc An, Sử (vốn được người dân trong vùng tôn kính) và ép quân lính phải phục dịch quá độ... Đến mùa thu năm 821, tướng thân cận của Trương Hoằng TĩnhVi Ung có va chạm với một người lính, Vi Ung tức giận sai đánh người đó. Quân sĩ Hà Sóc vốn ghét những hành động xấu xa của Vi Ung nên không chấp hành mệnh lệnh này. Ung sai báo với Hoằng Tĩnh, Hoằng Tĩnh ra lệnh bắt giữ những ai kháng lệnh. Quân sĩ bèn hùa nhau nổi loạn, bắt giam Trương Hoằng Tĩnh và một số tướng dưới quyền Hoằng Tĩnh, trong đó có Vi Ung. Đến hôm sau, quân sĩ tỏ ra hối hận vì việc đó, nên đến tạ tội nhưng Hoằng Tĩnh không đáp lại. Quân sĩ bèn quyết định đưa Chu Hồi (cha Chu Khắc Dung) tiếp quản trấn Lư Long, nhưng Hồi từ chối, vì thế quân sĩ đưa Chu Khắc Dung thay Trương Hoằng Tĩnh[24]. Nghe tin binh sĩ U châu làm loạn, triều đình hạ lệnh biếm Trương Hoằng Tĩnh rồi phong Lưu Ngộ đến làm Tiết độ sứ Lư Long. Nhưng Lưu Ngộ ngại Chu Khắc Dung nên không nhận và còn thỉnh cầu triều đình ban cho Khắc Dung tiết việt. Ngộ trở về làm Tiết độ sứ Chiêu Nghĩa.

Trong khi đó ở Thành Đức, tướng sĩ cũng bất hòa với Điền Hoằng Chính. Đô tri binh mã sử Vương Đình Thấu âm mưu làm loạn, nửa đêm liên kết với nha binh xông vào giết Hoằng Chính cùng liêu tá; sau đó còn giết những người không ăn cánh với mình, tự xưng là lưu hậu và sai người đến Trường An cầu xin tiết việt, sau đó công đánh một số châu khác. Lý Tố ở Ngụy Bác nghe tin Điền Hoằng Chính bị hại, dự định cử binh công đánh Vương Đình Thấu nhưng lại đột nhiên Lý Tố lại bệnh nặng. Triều đình bèn phong Tiết độ sứ Kinh Nguyên Điền Bố đến trấn nhậm ở Ngụy Bác; đồng thời Mục Tông hạ chiếu yêu cầu quân các trấn Ngụy Bác, Chiêu Nghĩa, Hà Đông, Nghĩa Vũ phải tập hợp lại cùng tiến đánh Thành Đức và Lư Long. Quân đội triều đình được giao cho Bùi Độ chỉ huy, Ngưu Nguyên Dực được phong làm Tiết độ sứ mới ở Thành Đức, cùng dẫn binh. Tổng cộng lực lượng của triều đình có tới 150.000 người, gấp 15 lần quân nổi dậy[24].

Tuy nhiên lúc này, quốc khố đã cạn do sự xa xỉ của Mục Tông, nên quân lương cung cấp cho quân sĩ bị thiếu. Vì thế quân triều đình (vốn không có tinh thần chiến đấu) không thể giành thắng lợi áp đảo trong những trận đầu tiên. Đầu năm 822, quần thần đề nghị Mục Tông nên theo phương sách của Hiến Tông đánh dẹp các trấn khi xưa, có nghĩa là xá tội cho một trấn và đánh một trấn thay vì dồn sức cho cả hai mặt trận. Do đó, Mục Tông xá tội cho Chu Khắc Dung và phong làm Tiết độ sứ Lư Long, đồng thời tiếp tục thảo phạt Vương Đình Thấu[24]. Trong khi Điền Bố vẫn cố gắng thúc ép quân sĩ chiến đấu, nên lòng quân sinh ra dao động. Họ tôn tướng Sử Hiến Thành làm minh chủ chống lại Điền Bố. Điền Bố cố gắng tập hợp lực lượng còn trung thành với mình nhưng không có ai chịu theo, Bố bèn tự sát. Quân sĩ đưa Sử Hiến Thành về Ngụy và lập làm Ngụy Bác lưu hậu. Triều đình trước việc đã rồi, đành phải công nhận Sử Hiến Thành, phong ông ta làm Tiết độ sứ. Và không lâu sau đó lại công nhận luôn cả Chu Khắc DungVương Đình Thấu. Từ đó đến lúc nhà Đường diệt vong (907), Hà Bắc tam trấn chỉ còn thần phục trên danh nghĩa, triều đình không sao kiểm soát được nữa[24].

Mùa thu năm 822, binh sĩ ở trấn Tuyên Vũ[25] nổi dậy chống lại Tiết độ sứ Lý Nguyện. Nhân đêm tối, quân sĩ xông vào chỗ Lý Nguyện, giết vợ ông ta là Đậu thị. Nguyện sợ hãi bèn bỏ trốn sang Trịnh châu. Quân sĩ lập Lý 㝏 làm lưu hậu. Tin này bay về kinh sư, trong triều có nhiều ý kiến khác nhau. các tể tướng Đỗ Nguyên DĩnhTrương Bình Thúc cho rằng nên xoa dịu quân sĩ ở Tuyên Vũ; còn Lý Phùng Cát cho rằng nếu không đánh dẹp thì triều đình sẽ mất luôn quyền kiểm soát khu vực Dương - Hoài. Phùng Cát lại đề nghị nên bãi Lý 㝏, lấy Hàn Sung thay thế trấn nhậm ở Tuyên Vũ. Sau đó Mục Tông phong cho Hàn Sung kiêm nhiệm hai trấn Tuyên Vũ, Nghĩa Thành và phong Lý 㝏 làm Hữu Kim Ngô tướng quân, Lý không phụng chiếu vào bao vây Tống châu[26], nhưng bị quân của Hàn Sung, Lý Quang Nhan đánh bại. Sau cùng, quân triều đình cùng với tiến vào Tuyên Vũ. Lý 㝏 lúc này đã lâm bệnh, bị thủ hạ là Lý Chất giết chết. Sau đó Lý Chất đầu hàng nhà Đường[24].

Qua đời

Đầu năm 823, Mục Tông chơi đá cầu với các hoạn quan trong cung. Lúc đó có viên hoạn quan bất cẩn làm ông ngã ngựa. Mục Tông kinh sợ, từ đó thành bệnh không thể đi lại được nữa. Các tể tướng nhiều lần xin vào yết kiến cũng không được. Bùi Độ bèn ba lần dâng thư xin lập thái tử. Đến tháng 12 ÂL, Mục Tông mới ra triều một lần, nhưng chỉ có thể ngồi trên giường mà thôi. Lý Phùng Cát nhân lúc đó xin lập Trữ quân, Bùi Độ cũng tán thành. Mục Tông không thể làm khác, đành hạ chiếu lập Cảnh vương Lý Đam làm Đông cung Hoàng thái tử[24].

Cũng trong năm này, thấy trong triều chỉ có một mình Ngưu Tăng Nhụ từ chối quà tặng của Hàn Hoằng lúc ông này sắp mất, nên Mục Tông phong Ngưu Tăng Ngụ làm Trung thư thị lang, Đồng bình chương sự. Lúc đó trong triều Ngưu Tăng NguhLý Đức Dụ (con Lý Phùng Cát) là những người được dự đoán sẽ làm tể tướng, nhưng Lý Đức Dụ lại không được chọn mà phải làm Chiết Tây[27] quan sát sứ đến 8 năm. Do đó Lý Đức Dụ oán hận Ngưu Tăng Nhụ, hai họ Ngưu - Lý cũng kết phái trong triều để chống đối nhau trong mấy mươi năm, sử gọi là Ngưu Lý đảng tranh. Trong lúc đó Lý Phùng Cát liên kết với hoạn quan Vương Thủ Trừng mưu chống lại Bùi Độ, tạo thành một thế lực lớn. Phùng Cát và Thủ Trừng oán ghét Bùi Độ nên bày mưu kiềm chế Độ. Do vậy Bùi Độ bị giáng chức làm Tiết độ sứ Sơn Nam Tây Đạo[28], mất quyền bình chương sự.

Trong năm 823, bệnh tình của Mục Tông dần thuyên giảm, nhưng đến ngày 23 tháng 2 năm 824 thì bệnh lại tái phát. Đến ngày 25 tháng 2, bệnh trở nặng, bèn hạ chiếu cho Thái tử Lý Đam giám quốc. Các đại thần dâng sớ muốn xin Hoàng thái hậu Quách thị lâm triều xưng chế, nhưng thái hậu dẫn việc Võ Tắc Thiên mà từ chối. Cùng đêm 25 tháng 2, Mục Tông băng hà ở tẩm điện, thụy hiệu đầy đủ Duệ Thánh Văn Huệ Hiếu hoàng đế (睿聖文惠孝皇帝). Ngày 29 tháng 2 (Canh Tí), Thái tử Lý Đam lên ngôi, tức Đường Kính Tông[29].